Chiếc giỏ xách đi chợ được kết từ hơn 400 nắp chai nhựa các loại có thể xách được tối đa 15kg. Bộ bàn ghế từ những chiếc thùng phuy cũ gỉ sét được đánh bóng, cắt, cưa, dán trang trí nhìn rất độc đáo… Những sản phẩm tái chế từ rác có thể sử dụng được làm nhiều khách tham quan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì sự đáng yêu và ý nghĩa của nó.
“Làm cho thế giới sạch hơn”
Hoạt động ngoại khóa với những hình ảnh trực quan sinh động sẽ là bài học tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường cho các em học sinh thật hiệu quả. Đó cũng là cách mà UBND TP.Thuận An đã tổ chức tại ngày hội bảo vệ môi trường “Làm cho thế giới sạch hơn” tại trường THCS Trịnh Hoài Đức vừa qua.
Khách tham quan thích thú trước các sản phẩm tái chế
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP.Thuận An, hoạt động của ngày hội nhằm tuyên truyền chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. TP.Thuận An cũng đã tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Thực hiện đồng loạt các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại địa bàn dân cư; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; kiểm soát chặt chẽ các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường... Đây cũng là dịp triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Hớn hở khi nhận được quà tặng từ các quầy hàng bán cây cảnh, sữa, bánh ngọt (đổi bằng phế liệu)… những em học sinh cho biết ngày hội với môi trường đã giúp các em nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống như thế nào. Từ đó các em sẽ điều chỉnh hành vi, thói quen tiêu dùng, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Tại ngày hội, những tác phẩm là tranh vẽ của các học sinh tại trường THCS trên địa bàn thành phố gửi về trưng bày cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường , tăng cường nhận thức của giới trẻ và rộng hơn là toàn cộng đồng có những hành động cụ thể, thiết thực cùng nhau xây dựng lối sống bền vững, hài hoa với thiên nhiên. Điểm độc đáo của ngày hội là gian hàng tái chế sử dụng được của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.Thuận An được chọn trưng bày đã nhận được sự chú ý của khách tham quan. Bà Võ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN TP.Thuận An cho biết có hơn 30 sản phẩm được tái chế từ phế liệu. Những sản phẩm này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí tiêu dùng và nâng cao công tác tuyên truyền mọi người có ý thức bảo vệ môi trường sống chung quanh.
Vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Các sản phẩm độc đáo như bàn ghế, giỏ xách… được Hội LHPN các xã, phường của TP.Thuận An thực hiện và tham gia với mỗi đơn vị ít nhất 3 sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, vật liệu đã qua sử dụng. Các loại phế liệu như vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nhựa , giấy báo, giấy tập cũ, vỏ hộp bánh, lốp xe ô tô, thùng phuy… đã được sử dụng làm vật liệu tái chế. Nhiều người khi đến tham quan gian hàng đều trầm trồ trước các sản phẩm này. Từ cuộc thi sáng tạo vật liệu sử dụng được từ phế liệu, các sản phẩm được làm ra đã có giá trị sử dụng trong đời sống hàng ngày (đồ dùng hoặc đồ chơi) hoặc định hướng cho sản xuất đồ dùng và mang ý nghĩa tích cực về các hoạt động tái sử dụng và tái chế chất thải, bảo vệ môi trường. Mỗi sản phẩm cũng được gửi kèm theo một bản thuyết minh mà có chị nói vui là… “bằng sáng chế” với chú thích rõ ràng về nguyên liệu sử dụng, công dụng và ý nghĩa của sản phẩm. Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Ban tổ chức đánh giá cao các sản phẩm này về giá trị sử dụng trong cuộc sống, ý nghĩa về mặt môi trường (giảm phát sinh rác, tái sử dụng chất thải, tiết kiệm tài nguyên…) rồi đến tính thẩm mỹ, tính sáng tạo, sự mới lạ của sản phẩm.
Một bộ bàn ghế làm từ những chiếc thùng phuy cũ được trưng bày tại ngày hội
Bà Nguyễn Phương Trúc, Chủ tịch Hội LHPN phường An Thạnh, TP.Thuận An, đơn vị có bộ bàn ghế làm bằng thùng phuy cũ được chọn trưng bày, cho biết để làm được bộ bàn ghế từ phế liệu sử dụng được như thế này rất công phu. Trước hết là phải tìm nguyên liệu rồi cưa, đục, đẽo, gọt, sơn… Những việc nặng phải thuê thợ cơ khí mới làm được. Vừa làm vừa tính toán sao cho có tính thẩm mỹ cao và phải dùng được, dùng bền.
Theo bà Trúc, giá thành sản phẩm khi hoàn tất khoảng 3-4 triệu đồng và đã có nhiều người hỏi mua bởi “thấy hay hay”. Những chiếc giỏ xách đi chợ, khung hình, bình hoa… thật sự độc đáo bởi “không có chiếc thứ hai”. Những người phụ nữ khéo tay hay làm này cho biết họ sẵn sàng làm theo đơn đặt hàng, làm quà tặng cho những ai thích sự độc đáo của sản phẩm tái chế. Cũng theo các chị, họ rất vui khi sản phẩm được đón nhận nhiệt tình như thế.
Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là những sản phẩm này còn thể hiện tấm lòng trân trọng, luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống, không gian sống. Việc làm của những “người thợ” cho ra đời những sản phẩm này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn khi giúp mọi người biết tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, biết trân quý, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Được biết song song với hoạt động này, chương trình đổi rác thải lấy quà, tái tạo rác thải làm thành sản phẩm sử dụng được sẽ còn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới ở TP.Thuận An. Ban tổ chức cho biết sẽ sử dụng hình ảnh của các sản phẩm dự thi cho các hoạt động tuyên truyền cho ngày hội nói riêng và các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.