Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề rất lớn do rác thải nhựa gây ra và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do thói quen tiêu dùng nhanh, sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa lớn, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường hàng ngàn tấn rác thải nhựa. Điều này dẫn đến việc chúng ta đang phải đối mặt với những tác hại lớn hơn bao giờ hết.
“Ô NHIỄM TRẮNG” DO RÁC THẢI NHỰA: SỰ NGUY HẠI CHO TOÀN CẦU
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm con người và động thực vật.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường, mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Và cứ theo đà này, dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu do rác thải nhựa đã khiến cho các đại dương ấm lên nhanh hơn rõ rệt trong 20 năm qua, và dự kiến sẽ còn trở nên ấm hơn nữa. Hiện nay, các đại dương có tính axit cao nhất trong ít nhất 26.000 năm vì đã hấp thụ và phản ứng với nhiều carbon dioxide hơn trong khí quyển. Trong khi đó, mực nước biển đã tăng 4,5 cm trong thập kỷ qua.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu với khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số "khổng lồ" 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra hằng năm và lượng nhựa tiêu thụ này hiện vẫn còn tăng.
Các nghiên cứu đã cho thấy, phải mất đến 450 năm để các chai nhựa được phân huỷ hoàn toàn. Nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mặt khác, các sản phẩm từ nhựa tự tiêu huỷ bằng cách phân ra thành các hạt nhỏ chứ không hề tiêu biến hết. Khi sinh vật biển ăn phải những hạt vi nhựa này, khiến cho chúng không hô hấp được, gây nguy hại đến hệ sinh thái.
NHIỀU RÀO CẢN TRONG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ NHỰA
Trước mối nguy hại biến đổi khí hậu và ô nhiễm trắng từ rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều chiến lược cụ thể ngăn chặn vấn nạn này. Trong đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm lượng chất thải nhựa ra môi trường. Đây cũng được xem là vấn đề ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tái chế nhựa ra đời ở Việt Nam đã mang lại những hiệu quả tích cực. Nhiều sản phẩm tái chế nhựa đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, dù được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh phát triển song trên thực tế ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở tái chế nhựa hiện chưa phát triển mạnh, phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ quy trình tái chế thô sơ lạc hậu nên hiệu quả thấp và thậm chí còn gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
Các chuyên gia chỉ ra, còn nhiều vướng mắc dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như: thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, yếu tố thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế còn thấp, và hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế....
Theo một số doanh nghiệp, dù đều là những doanh nghiệp hoạt động tái chế khá lớn với nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, song, khó khăn lớn đối với họ vẫn nằm ở vấn đề nhận thức của người tiêu dùng và giá thành của sản phẩm tái chế đã khiến sản phẩm khó cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Thống kê cho thấy, đã và đang có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. Do đó, việc tháo gỡ các rào cản tạo điều kiện cho ngành công nghiệp tái chế nhựa phát triển ở Việt Nam sẽ mở ra cơ hội rất lớn vừa giải quyết được vấn đề môi trường vừa góp phần gia tăng nguồn lợi cho nền kinh tế.
GIẢI PHÁP NÀO GỠ KHÓ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ NHỰA?
Đứng trước những cơ hội và thách thức trong phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa nhằm giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa ra môi trường, cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho ngành tái chế phát triển?
Trước thách thức bảo vệ môi trường sống, ứng phó với BĐKH trên toàn cầu, để phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa; nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho ngành này phát triển hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta.