Hiểm họa từ nước rửa chén không nhãn mác
(PLO)- Hiện nay có rất nhiều loại nước rửa chén trên thị trường được nhiều người tin dùng nhưng bên cạnh đó còn nhiều loại nước rửa chén không rõ nguồn gốc vẫn ung dung trên thị trường tiêu thụ, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
Giá bán rẻ như bèo
Không khó để bắt gặp hay mua những chai nước rửa chén không rõ nguồn tại khu vực chợ trong thành phố Hồ Chí Minh như chợ Lớn, chợ Kim Biên, chợ Bà Chiểu hay một số khu vực chợ nhỏ trong thành phố như Nguyễn Văn Trỗi... Những chai nước rửa chén này được đựng vào chai nước 5lit hoặc các can nhựa lớn, thậm chí là được san vào các vỏ chai có thương liệu nổi tiếng như một cách che mắt người dùng. Chúng thường có màu vàng hoặc màu trắng đặc trưng. Điều đặc biệt ở đây, các loại nước rửa chén này đều có mùi thơm như chanh, cam hệt như các loại nước rửa chén được bán trên thị trường.
Những chai nước rửa chén không rõ nguồn gốc được tiêu thụ một cách ngang nhiên. Ảnh: Nguyên Hà
Nhập vai là người mua hàng, chúng tôi hỏi mua sản phẩm ở một cửa hàng trong chợ Kim Biên với số lượng ít, về dùng thử nhưng chủ quán từ chối bán và báo giá vì ở đây chỉ bán số lượng nhiều.
Sau đó chúng tôi lân la vào một quán ăn ven đường, hỏi chỗ mua nước rửa chén thì người phụ nữ tên H. (chợ Kim Biên) chia sẻ: “Mấy cái nước rửa chén này nhiều bọt, rẻ hơn nước rửa chén khác rất nhiều lần, với loại nước rửa chén được đựng trong những can, chai nhựa đủ loại thì mỗi lít giá chỉ từ 4.000-5.000 đồng. Chớ mắc quá ai mà mua”. Khi được hỏi về nguyên liệu để tạo nên những chai nước rửa chém “dỏm”, phụ nữ này chia sẻ có các nguyên liệu chính như: chất tạo bọt, chất tạo độ keo (cô đặc), chất tẩy, hương liệu và phẩm màu. Theo một vài nguồn tin trên mạng Internet thì cách chế biến những chai nhựa hóa chất nước rửa chén này như sau: Đổ chất lỏng Las (chất tạo độ cô đặc - PV) vào chậu nước, cho chất sút (NAOH) vào quấy rồi cho tiếp Natri Sun-phát. Tiếp đến là cho thêm chất tẩy Triply. Công đoạn quan trọng là cho thêm Amol Clorua và màu công nghiệp. Kết quả thu được là một hỗn hợp sền sệt mà người ta gọi chung là nước rửa chén.
Nhiều vấn đề về an toàn khi sử dụng
ThS Hoàng Trọng Phú (giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết ở đây cần lưu ý chất sút (NAOH) có tính kiềm cực mạnh, nếu trong quá trình sản xuất không trung hòa hết kiềm sẽ gây ra lượng dư chất làm bào mòn da tay và có thể gây kích ứng da như mẩn ngứa. Chưa kể đến việc nếu như bị các hóa chất này đi vào cơ thể qua đường ăn uống với một mức độ đều đặn sẽ gây hại đến đường tiêu hóa. Còn chất khác như Las, khi được thải ra với số lượng nhiều sẽ gây khó khăn cho quá trình xử lý nước thải.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều cơ sở tự chế biến nước rửa chén không rõ nguồn gốc nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. Theo luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay: Liên quan đến hành vi sản xuất và buôn bán nước rửa chén tự pha chế, không nguồn gốc, nhãn mác, kém chất lượng,… thì có thể bị xem xét bị xử lý vi phạm hành chính về nhiều hành vi vi phạm theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Trước hết có thể có vi phạm và bị xử lý về hành vi vi phạm trong đăng ký kinh doanh, vi phạm điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác thì bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng, tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm; đối với vi phạm liên quan đến chất tẩy rửa thì sẽ bị phạt gấp đôi. Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp như tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp có đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm là sản xuất, buôn bán hàng giả thì tùy chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định.
Việc sử dụng những chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo nên một sự hỗn tạp trong khâu quản lý của các nhà chức trách và cơ quan y tế cũng như quản lý thị trường. “Của rẻ là của ôi”, bởi vậy người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu rõ ràng uy tín, có kiểm dịnh và giấy chứng nhận an toàn sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Nguyên Hà